[Tư vấn Marketing - Lãnh đạo] Đã qua rồi cái thời mà giữa người lãnh đạo và cấp dưới tồn tại những khác biệt quá lớn.
Giờ đây, những nhân viên xuất sắc đã có thể tiếp bước người đi trước với vai trò lãnh đạo. Augie Turak, người từng làm việc tại những công ty và tập đoàn lớn như MTV, Adelphia Communications, Data Broadcasting Corporation, UPI, Bell Atlantic, Federal News Service, Applied Control Systems, Mutek Solutions và có kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm về những giá trị tinh thần để thành công trong cuộc sống sẽ chia sẻ những bí quyết lãnh đạo bổ ích trong kinh doanh.
Năm 1982, Augie Turak từ bỏ công đáng mơ ước ở công ty dịch vụ truyền hình cáp MTV: Music Television (nay là Đài truyền hình A&E Network) để cộng tác với Jim Collins. Collins đã truyền dạy cho Turak sự uyên thâm của một nhà nghiên cứu, nhà văn kiêm tư vấn kinh doanh nổi tiếng.
Ông nói: “Hãy nhớ lấy, Augie, rằng ai cũng có ông chủ để phục tùng. Tỉ dụ như phó giám đốc phải báo cáo cho ngài giám đốc, ngài giám đốc phải báo cáo cho CEO, CEO lại báo cáo cho Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng quản trị về nhà... báo cáo với vợ. Nếu muốn trở thành một nhà lãnh đạo tài ba, anh cũng phải là một kẻ biết phục tùng.”
Turak cũng hiểu rõ những gì mà Louis Mobley, người đứng đầu trường quản trị IBM đúc rút, rằng con người giờ đây đều rất tỉnh táo, biết nghĩ cho bản thân và có khả năng tạo ra những thay đổi khi có động lực. Bài học từ những người thầy uyên bác cùng kinh nghiệm tự thân đã giúp Turak đúc rút nên 11 bí quyết lãnh đạo mà có thể bạn chưa từng nghe thấy trước đó.
1. Biết nắm lấy thế chủ động
Câu chuyện sếp ra lệnh “Nhảy đi!” và nhân viên hỏi lại “Nhảy cao bao nhiêu thì vừa ạ?” đã không còn tồn tại trong môi trường kinh doanh ngày nay, bởi những ông chủ hiện đại cần cấp dưới đưa ra những ý tưởng mới mẻ chứ không cần những con ong thợ thụ động đợi lệnh từ cấp trên. Một kẻ phục tùng có năng lực phải là người biết nói “Tôi nghĩ chúng ta cần thực hiện phương án này” thay vì “Sếp cần em làm gì ạ?”
2. Tự tạo ra công việc cho chính mình
Collins từng dạy cho Turak cách thức chung để tiếp cận với mọi công việc mới, đó là nhận diện những mục tiêu vừa sức có thể đạt được trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó thảo ra một bản kế hoạch kèm một bản ghi chép tiến độ thực hiện.
Quan trọng hơn, ông còn phải chuẩn bị bản kế hoạch sẵn sàng trước khi sếp hỏi đến. Theo cách đó, Turak đã tạo cho mình ấn tượng của một nhân viên có khả năng lãnh đạo. Lợi ích của việc làm này sẽ giúp cấp dưới có được tính tự chủ, biến công việc nhàm chán thành niềm vui mỗi ngày.
3. Tỏ ra có thể dễ dàng huấn luyện
Một lần Collins chia sẻ với học trò Turak một bí mật nhỏ: thay vì mang theo cả một cuốn vở, ông lấy một tờ giấy nhỏ, gấp làm ba rồi cho vào túi ngực của áo khoác để tiện ghi chép.
Turak cũng răm rắp làm theo, nhưng từ khi rời bỏ công việc ở một công ty nọ, ông cũng từ bỏ luôn thói quen đó khi nhận ra rằng dường như ông chỉ bắt chước để lấy lòng bản thân mà thôi.
Thực ra, Turak có một mục đích lớn hơn, đó là bằng việc làm nhỏ như trên để chứng tỏ cho Collins thấy ông là người có thể được huấn luyện, dìu dắt trong những công việc quan trọng khác.
4. Biết tiên liệu sự việc
Giống như một chiếc radar, cấp dưới có thể đi trước sếp một bước bằng cách chủ động đặt ra câu hỏi: “Nếu là lãnh đạo mình sẽ làm gì tiếp theo?”.
Thời còn làm việc ở MTV, trợ lý 23 tuổi của Turak, Sheri Gottlieb đã gây ấn tượng mạnh với ông khi chỉ trong vài tuần lễ, 90% công việc chất đống trong hộp thư đến đã được giải quyết nhanh gọn trong khi Turak không yêu cầu chi tiết mà chỉ nói đơn giản “Sheri, giải quyết chúng giúp tôi nhé.”
Không đợi sếp phải yêu cầu thêm, nhanh như radar, Sheri đã xử lý gọn ghẽ mọi công việc trước khi chúng được đặt lên bàn của sếp. Đó là lý do vì sao Turak chẳng hề ngạc nhiên khi không lâu sau, Sheri từ vị trí thư ký quèn đã được thăng chức phó giám đốc.
5. Biết đối ngoại
Nếu sếp đã từng có lần phải đích thân hỏi nhân viên về báo cáo tiến độ công việc, điều đó có nghĩa là cấp dưới đang mất điểm trong mắt sếp. Những người chèo lái công ty có hàng trăm nghìn mối lo, do đó nhân viên cần giúp sếp vơi bớt đi những lo lắng đó bằng việc thông tin cho sếp những điều họ biết.
Nếu cấp dưới không giữ mối liên lạc thường xuyên với cấp trên, sếp sẽ cho rằng nhân viên đang che giấu những thông tin không hay về công ty, bởi những người đứng đầu luôn cần biết những tin tức bí mật mà thường không ai dám tiết lộ.
6. Lấy mục tiêu phấn đấu làm động lực
Các sếp lúc nào cũng bận trăm công nghìn việc, do đó, giám sát hoạt động công ty là công việc ít người muốn làm nhất. Những cấp dưới có năng lực lại nghĩ khác: họ sẽ đặt công việc của ngày hôm nay làm ưu tiên hàng đầu để thực hiện mục tiêu tương lai. Họ trả lời thư trong hộp thư đến với hi vọng guồng quay công việc bận rộn sẽ tạo ra một điều gì đó kỳ diệu trong tương lai.
Dù sếp cũng sẽ không trả lương cao hơn cho những nhân viên làm việc chăm chỉ mà chỉ quan tâm xem cấp dưới có thực hiện đúng những mục tiêu đã đề ra hay không thì nhân viên vẫn cần lấy mục tiêu phấn đấu làm động lực để hoàn thành công việc.
7. Nói ít làm nhiều
Turak từng hướng dẫn một sinh viên trẻ theo học ngành thạc sĩ quản trị kinh doanh. Lần gặp gỡ đầu tiên, Turak bỗng dưng quên mất một câu trích dẫn. Cậu sinh viên lặng lẽ lấy ra một cuốn sách chia từng mục gọn ghẽ có ghi chép tất cả những gì Turak từng viết và nhanh chóng tìm ra câu trích dẫn chính xác.
Sự chuẩn bị của cậu sinh viên đã thể hiện mức độ nghiêm túc một cách thuyết phục hơn bất cứ bài phát biểu sôi nổi nào khác. Do đó, Turak đã quyết định sẽ đầu tư thêm thời gian và công sức để hướng dẫn sinh viên này.
8. Chiếm được lòng tin của sếp
Mục tiêu hàng đầu của Turak khi nhận một công việc mới là làm sao để sếp cảm thấy như được thư giãn. Càng sớm có được lòng tin của sếp, sếp sẽ càng nhanh chóng quên đi nhân viên để chuyển mối quan tâm sang những thứ khác như, thời gian, tiền bạc… Louis Mobley từng nói lòng tin phục thuộc vào lời hứa và khả năng thực hiện lời hứa đó.
Những người có thể tin cậy được là người thực hiện đúng lời hứa, trong khi những người nói lời không giữ lấy lời thì hoàn toàn không đáng tin. Việc tạo dựng lòng tin với sếp là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn đầu, nhân viên phải thực hiện tất cả những cam kết với sếp, dù chúng có nhỏ nhặt đến cỡ nào đi chăng nữa.
9. Đề xuất giải pháp
Những nhân viên không có thực lực sẽ chỉ khiến mọi việc trở nên rối ren thêm, trong khi những cấp dưới ưu tú lại có khả năng giải quyết vấn đề, hoặc đề xuất giải pháp cho sếp.
10. Biết thông cảm
Nhân viên tốt phải là người biết cảm thông trước những áp lực công việc mà sếp phải chịu đựng. Chẳng hạn như sếp có thể phải mất một thời gian khá dài để thay đổi nhân sự, dành ra hàng tháng trời cùng hàng ngàn USD để tuyển dụng nhân viên mới.
Khi quá trình tuyển dụng hoàn tất, sếp còn phải trải qua nhiều đêm thức trắng vì lo lắng có thể đã tuyển nhầm người. Khi đó, nhân viên không chỉ đơn giản thông cảm với sếp mà còn phải tìm cách để sếp yên lòng bởi ít nhất vẫn có người hiểu và đáng tin cậy bên cạnh.
11. Trung thành
Nếu nhân viên không toàn tâm toàn ý với công việc thì đây có lẽ là lúc thích hợp để tìm kiếm một công việc mới. Cấp dưới phải là người cảm thấy tự hào khi làm được những việc khiến sếp tỏa sáng, thậm chí khi bất đồng quan điểm cá nhân đi chăng nữa, nhân viên vẫn phải thể hiện bộ mặt của một tập thể đoàn kết.
Nguồn: TTVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét